Chứng khoán là kênh “nhạy cảm” với lãi suất, do đó những thông tin về điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động ngay lập tức tới thị trường.
*Thị trường đón nhận những thông tin không mong đợi
Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch tương đối tích cực trong phiên đầu tuần (20/5) khi VN-Index tăng gần 5 điểm với BCM và NTP tăng trần trước thông tin Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thông báo sẽ thoái vốn hai doanh nghiệp này.
Trong phiên 21/5, VN-Index giằng co trong phần lớn thời gian giao dịch trước khi đóng cửa giảm nhẹ 0,4 điểm. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước có những động thái hỗ trợ tỷ giá khi niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.251 VND/USD, tăng 4 đồng so với đầu tuần, đồng thời tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng SJC để thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới.
Áp lực chốt lời đã khiến VN-Index giảm hơn 10 điểm trong phiên 22/5 với nhóm ngân hàng giảm 1,3% trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất OMO và tín phiếu nhằm hỗ trợ tỷ giá. VN-Index bật tăng vào phiên 23/5 lên 14 điểm, nổi bật với lực cầu vào nhóm ngành bảo hiểm khi nhà đầu tư kỳ vọng vào triển vọng tăng lãi suất sẽ giúp nhóm ngành này hưởng lợi.
Tuy vậy, tâm lý tiêu cực đã kéo thị trường giảm hơn 19 điểm vào phiên cuối tuần (24/5) khi lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng vọt và vượt mốc 5%, phản ánh thanh khoản trên hệ thống không còn dư thừa như giai đoạn trước và một số ngân hàng thương mại tìm đến kênh hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước với khối lượng trúng thầu trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) liên tục ở mức cao.
Bên cạnh đó, việc Mỹ ghi nhận chỉ số PMI cao hơn dự báo cũng khiến nhà đầu tư lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong năm nay, khiến chỉ số đồng Dollar (DXY) tăng, gây áp lực lên tỷ giá VNĐ. Kết thúc tuần giao dịch từ 20 – 24/5, VN-Index giảm 0,9% xuống 1.261,9 điểm. HNX-Index gần như không đổi ở mức 241,7 điểm và UPCOM-Index tăng 1,4% lên 94,4 điểm.
Tuần qua, GAS tăng 4,4%; HVN tăng 12,6% và PLX tăng 8,0% là các nhân tố chính hỗ trợ thị trường. Ngược lại, VCB giảm 1,7%; VIC giảm 4,1% và TCB giảm 3,8% gây áp lực lên chỉ số chung. Thanh khoản tiếp tục có xu hướng đi lên với giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt 27.670 tỷ đồng/phiên, tăng 37,6% so với tuần trước đó và khối ngoại bán ròng gần 6.000 tỷ đồng trong tuần.
Kỳ vọng về việc Fed giảm lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 9 đã giảm về 51%, so với mức 68% của tuần trước đó. Diễn biến này kéo theo phiên điều chỉnh mạnh của các chỉ số chứng khoán Mỹ trong ngày thứ 5. Trong nước, bất chấp những nỗ lực can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, áp lực tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt. Ông Hinh cho biết, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã vượt ngưỡng 5%.
Trong phiên 22 và 23 tháng 5, đã có một số ngân hàng thương mại tìm đến kênh hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước với khối lượng trúng thầu trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) liên tục ở mức cao. Đi kèm với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng lãi suất OMO lên mức 4,5%/năm, tăng thêm 25 điểm cơ bản so với trước.
* Nasdaq đóng cửa ở mức cao kỷ lục
Chứng khoán Mỹ phục hồi vào phiên giao dịch cuối tuần ngày 24/5, sau đà giảm mạnh của phiên trước đó, nhờ tin tức về triển vọng lạm phát được cải thiện, đưa Nasdaq đóng cửa ở mức cao kỷ lục và đạt tuần tăng điểm thứ năm liên tiếp.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 4,33 điểm, tương đương 0,01%, lên 39.069,59 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 36,88 điểm, tương đương 0,70%, lên 5.304,72 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 184,76 điểm, tương đương 1,10%, lên 16.920,79 điểm. Khối lượng giao dịch giảm trước kỳ nghỉ lễ Ngày Tưởng niệm sắp tới (ngày 27/5).
Bất chấp diễn biến tích cực của phiên 24/5, chỉ số Dow Jones đã dứt chuỗi 5 tuần đi lên liên tiếp, sau khi chứng kiến mức giảm phần trăm theo ngày lớn nhất trong hơn một năm vào phiên 23/5. Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 2,34%, chỉ số S&P 500 tăng không đáng kể 0,03% và chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,41%.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, các đơn đặt hàng mới về tư liệu sản xuất do Mỹ chế tạo đã phục hồi mạnh hơn dự kiến trong tháng 4/2024. Trong khi đó, Đại học Michigan báo cáo rằng kỳ vọng lạm phát của Mỹ đã cải thiện vào cuối tháng 5/2024, sau khi có xu hướng xấu đi vào đầu tháng. Ông Rob Haworth, chiến lược gia về đầu tư của U.S. Bank Wealth Management, có trụ sở tại Seattle cho biết, các dữ liệu mới công bố tốt hơn một chút so với dự đoán. Điều này có thể cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cơ hội cắt giảm lãi suất và nền kinh tế sẽ ổn.
Nguồn: Bnew