BlackRock mới đây đã thông báo giải thể quỹ iShares Frontier & Select EM ETF, một quỹ chuyên đầu tư vào thị trường cận biên và mới nổi trong đó đầu tư gần 20% tỷ trọng vốn vào thị trường Việt Nam.
Gã khổng lồ quản lý tài sản BlackRock mới đây đã thông báo giải thể quỹ iShares Frontier & Select EM ETF, một quỹ chuyên đầu tư vào thị trường cận biên và mới nổi trong đó đầu tư gần 20% tỷ trọng vốn vào thị trường Việt Nam.
Trong thông báo, BlackRock cho biết quỹ ETF này sẽ ngừng giao dịch và không còn chấp nhận các lệnh tạo và mua lại chứng chỉ quỹ sau khi thị trường đóng cửa ngày 31/03/2025. Tuy nhiên, thông báo cũng nhấn mạnh lộ trình có thể thay đổi.
“Trong thời gian thanh lý, quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF sẽ không được quản lý theo mục tiêu và chính sách đầu tư vì quỹ sẽ bán bớt tài sản của mình”, BlackRock cho biết trong thông báo. Theo quyết định của BlackRock, tiền thu được từ việc thanh lý dự kiến sẽ được gửi cho các cổ đông trong khoảng 3 ngày sau ngày giao dịch cuối cùng.
Tính tới ngày 10/06, quỹ iShares Frontier & Select EM ETF có tổng giá trị tài sản ròng (NAV) hơn 425 triệu USD, tương đương khoảng 10.300 tỷ đồng. Trong đó, 18% danh mục đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam, tương đương khoảng 76 triệu USD khoảng 1.900 tỷ đồng.
Trước khi giải thể, quỹ đã bán ròng toàn bộ cổ phiếu Việt Nam, với tổng khối lượng tổng cộng 10,8 triệu cổ phiếu, tức 20% so với lượng nắm giữ ngày 10/6 53,6 triệu cổ phiếu. Các mã bị bán ra nhiều nhất theo khối lượng là HPG 3 triệu cổ phiếu, VHM 2,1 triệu cổ phiếu, VRE 1,1 triệu cổ phiếu.
Ra đời cách đây 12 năm, iShares Frontier and Select EM ETF khởi đầu với tên gọi iShare MSCI Frontier Markets 100 ETF và tham chiếu theo chỉ số thị trường cận biên MSCI Frontier Markets 100 index. Đến tháng 3/2021, quỹ đổi tên thành iShares MSCI Frontier and Select EM ETF như hiện tại và mở rộng phạm vi chọn cổ phiếu sang cả thị trường mới nổi và cận biên, với chỉ số tham chiếu là MSCI Frontier & Emerging Markets Select Index.
Theo nhận định của giới chuyên môn, việc ETF này đóng cửa không ảnh hưởng gì đến thị trường chứng khoán Việt Nam do NAV không lớn chỉ khoảng 1.900 tỷ đồng.
ETF đóng cửa trong bối cảnh khối ngoại từ đầu năm đến nay đã bán ròng 40.500 tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam tương đương 1,6 tỷ USD.
Cổ phiếu bị khối ngoại xả nhiều nhất từ đầu năm là VHM với giá trị bán ròng xấp xỉ 11.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng cổ phiếu bị bán ròng khớp lệnh. Xếp tiếp theo trong danh sách bán ròng của khối ngoại là chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị bán ròng gần 5.500 tỷ đồng. Hai cổ phiếu bluechips khác là VNM và MSN cũng bị bán ròng lần lượt hơn 5.100 tỷ và hơn 3.300 tỷ đồng.
Tương tự, giá trị bán ròng mạnh của khối ngoại còn ghi nhận tại loạt cổ phiếu khác như VRE (~2.700 tỷ), FUESSVFL (~1.900 tỷ), FPT (~1.900 tỷ), VND (1.800 tỷ đồng).
Riêng trong T5/24 nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 15.590 tỷ đồng trên sàn Hose và hơn 3.690 tỷ đồng trên sàn Upcom, trong khi mua ròng hơn 269 tỷ đồng trên sàn HNX. Những mã được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất trong T5/2024 bao gồm MWG, DBC, HVN, NLG và IDC. Ở chiều ngược lại, các mã được các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất trong T5/2024 là các mã VHM, CTG, MSR, ABB và VPB.
Ở chiều ngược lại, lũy kế mua ròng 12 tháng của nhóm nhà đầu tư cá nhân cũng tiếp tục nâng lên con số 57.665 nghìn tỷ đồng.
SSI Research duy trì quan điểm thận trọng về dòng vốn vào các Quỹ ETF của Việt Nam, tuy nhiên cường độ rút ròng sẽ hạn chế hơn so với giai đoạn Quý 2. Tín hiệu tích cực có thể sẽ bắt đầu xuất hiện khi môi trường vĩ mô (tỷ giá và lãi suất) hay biến động chính trị ổn định hơn. Đặc biệt, Việt Nam có thể được hưởng lợi khi xu hướng chốt lời và tìm kiếm cơ hội đầu tư khác xuất hiện ở thị trường Đài Loan.
Đối với các quỹ chủ động, sự chênh lệch giữa dòng vốn đầu tư và giao dịch khối ngoại đến từ 2 nguyên nhân chính sau: các quỹ chủ động mới chỉ tái cơ cấu danh mục nhưng chưa rút vốn ra khỏi Việt Nam và thống kê có độ trễ (như giai đoạn Quý 2 và Quý 3/2023)
Các rủi ro về lãi suất, tỷ giá và chính trị là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến dòng vốn vào Việt Nam ở giai đoạn hiện tại. Điểm tích cực là kỳ vọng về bản dự thảo lần 2 của thông tư cho phép công ty chứng khoán triển khai hình thức hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức sẽ sớm được công bố.
Nguồn: VnEconomy