Giá vàng miếng SJC tăng lên đỉnh cao mới 82,5 triệu đồng/lượng trong phiên 12/3 dù vàng thế giới giảm nhẹ. Nhiều dự báo giá vàng quốc tế sẽ điều chỉnh sau đợt tăng nóng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn đặt cược vào mặt hàng này. Trong ngày 12/3, giá vàng miếng SJC lập đỉnh cao lịch sử 82,5 triệu đồng/lượng vào buổi sáng, sau đó biến động liên tục, xuống 82,3 triệu đồng nhưng chốt phiên vẫn trở lại đỉnh cao lịch sử.
Tại nhiều cửa hàng, không ít người mang vàng đi bán chốt lời với e ngại giá mặt hàng này có thể tụt giảm trong bối cảnh giá vàng thế giới cũng có dấu hiệu điều chỉnh giảm. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể đưa ra những biện pháp ổn định thị trường này, sau khi đã có động thái hút tiền ổn định tỷ giá USD/VND trong phiên 11-12/3, với tổng mức hút về gần 30.000 tỷ đồng.
>> Cận Tết Giáp Thìn, giá vàng nhẫn lập đỉnh 66 triệu đồng/lượng
Tỷ giá trung tâm, tỷ giá USD/VND trên hệ thống ngân hàng và trên thị trường tự do giảm nhẹ trong phiên 12/3, qua đó tác động tiêu cực tới giá vàng.
Thực tế, vàng miếng SJC vẫn leo lên đỉnh cao kỷ lục. Giá vàng nhẫn cũng ở quanh đỉnh lịch sử, trên 71 triệu đồng/lượng.
Tính từ đầu năm tới nay, giá vàng miếng SJC tăng khoảng 9 triệu đồng mỗi lượng, tương đương khoảng 12%. Trong khi đó, vàng nhẫn cũng tăng ở tỷ lệ gần tương tự, với mức tăng tuyệt đối hơn 7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước liên tiếp lập đỉnh cao mới như nhiều đồng tiền kỹ thuật số, trong đó có Bitcoin. Giá vàng thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt trong phiên 12/3 trên thị trường châu Á và châu Âu sau vài phiên tăng dữ dội, thêm cả trăm USD/ounce trước đó.
Tới 18h ngày 12/3 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế giảm xuống còn 2.175 USD/ounce sau khi có lúc lên mức 2.195 USD/ounce hôm 8/3. Một số dự báo giá vàng thế giới có thể điều chỉnh giảm 100 USD về ngưỡng 2.080 USD/ounce trước khi tăng trở lại. Tuy nhiên, mức điều chỉnh giảm giá của vàng quốc tế khá chậm.
Không những thế, có một số tín hiệu cho thấy, đợt tăng giá của vàng có thể còn kéo dài thêm.
Giá vàng thế giới vẫn được kỳ vọng tăng dù đang chịu áp lực bán chốt lời sau đợt tăng mạnh.
Theo dữ liệu mới nhất từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) của Mỹ, giá vàng giao sau tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, trên 2.200 USD/ounce, được thúc đẩy bởi sức cầu đầu cơ tăng mạnh chưa từng có từ các quỹ phòng hộ.
Báo cáo từ CFTC cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 5/3, các nhà quản lý tiền đã tăng tổng vị thế mua đầu cơ đối với hợp đồng tương lai vàng trên Sàn giao dịch hàng hóa New York (Comex) thêm 41.221 hợp đồng, lên 145.106 hợp đồng. Đồng thời, các vị thế bán giảm 12.389 hợp đồng, xuống còn 35.343 hợp đồng.
Như vậy, trên thị trường vàng, số lượng hợp đồng mua ròng đạt 109.763, tăng 95% so với tuần trước đó.
Tổng giá trị các hợp đồng đặt cược giá vàng tăng của các quỹ phòng hộ lớn nhất trong lịch sử. Còn vị thế ròng (mua trừ bán) ở mức lớn thứ hai trong lịch sử, chỉ sau đợt mua trả hàng cho các hợp đồng bán khống vào đầu tháng 6/2019.
Theo các nhà phân tích hàng hóa tại Société Général, một lượng tiền kỷ lục, lên tới 11,3 tỷ USD chảy vào thị trường vàng khi giá lên trên 2.050 USD/ounce.
Đợt sóng vốn chảy vào mạnh nhất vào thị trường vàng trước đó là hồi năm 2019 với 9,1 tỷ USD.
Có thể thấy, cú bứt phá của giá vàng trên thị trường quốc tế khiến nhiều người ngạc nhiên nhưng được dự đoán từ lâu.
Trên Kitco, chiến lược gia trưởng của tổ chức tài chính MKS PAMPs, ông Nicky Shiels, cho rằng, đợt tăng giá này đã đến sớm hơn so với kỳ vọng của hầu hết nhà phân tích. Cú bứt phá với lực mua tăng không ngừng trong con sóng lần này rất khác so với những lần trước đây.
Hiện, câu hỏi được đặt ra là, vàng còn lại bao nhiêu động lực tăng giá?
Cuối tuần trước, các nhà phân tích tại TD Securities cho biết, họ đã thoát khỏi vị thế mua vàng vì thị trường có thể phải đối mặt với biến động cao hơn ngay cả khi xu hướng tăng vẫn còn nguyên.
Theo TD Securities, vị thế nắm giữ vàng vẫn được duy trì và hoạt động mua vàng ở Thượng Hải (Trung Quốc) tăng đáng kể trong những tuần qua. Điều này có thể giúp những người nắm vàng có thêm lãi. Tuy nhiên, nó cũng phụ thuộc vào diễn biến kinh tế vĩ mô.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gần đây có tín hiệu “bồ câu” hơn với chính sách tiền tệ. Điều này khiến USD yếu đi. Nhiều người phải mua vàng trả cho các hợp đồng bán khống, khiến giá vàng thêm đà tăng lên.
Ole Hansen, chiến lược gia trưởng bộ phận hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, cho biết dù ông lạc quan về triển vọng của mặt hàng vàng nhưng các nhà đầu tư nên nhạy cảm với vị thế đầu cơ hiện tại của thị trường. Chuyên gia này lưu ý rằng, những nhà giao dịch đầu cơ như vậy có thể đảo ngược vị thế của họ rất nhanh nếu thị trường bắt đầu chuyển hướng.
Nhìn chung, nhiều chuyên gia vẫn đặt cược vào khả năng vàng có nhiều triển vọng tăng tiếp.
Trong buổi điều trần gần đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã có những phát biểu ám chỉ khả năng giảm lãi. Bên cạnh đó, báo cáo việc làm tháng 2 của Mỹ cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp đi lên và tăng lương chậm lại. Điều này cũng cố kỳ vọng Fed giảm lãi suất và gây sức ép lên USD.
Nguồn: Investing