Chỉ sau khoảng 2 tuần, cổ phiếu này đã tăng 72% lên mức 35.500 đồng/cp, cao nhất trong hơn 5 năm, kể từ tháng 11/2018. Nếu tính từ đầu năm 2024 đến nay, thị giá đã tăng gấp đôi.
Cùng với hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud) và trung tâm dữ liệu (Data Center) đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình hạ tầng số. Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ phát triển Data Center nhanh nhất tại ASEAN.
Xu hướng này mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh các giải pháp hạ tầng Data Center, trong đó có CTCP Kỹ thuật điện Toàn Cầu (mã GLT). Doanh nghiệp này có hơn 10 năm kinh nghiệm và đã tham gia xây dựng, cung cấp thiết bị cho hàng chục dự án Data Center cả trong và ngoài nước.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 5, liên danh GLT và CTCP Công nghệ Tự động Tân Tiến đã trúng gói thầu với giá trị 277 tỷ đồng và thời gian thực hiện dự kiến 470 ngày do Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) làm chủ đầu tư.
Nội dung công việc là Cung cấp vật tư, thiết bị và triển khai thi công, lắp đặt hệ thống chiller (làm mát) và sàn nâng phòng máy thuộc dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng phòng máy tổng trạm tại Trung tâm Kỹ thuật Viettel Hoà Lạc năm 2022. Viettel Hoà Lạc hiện là trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam xét theo tổng quy mô đầu tư với tổng diện tích sàn 21.000 m2 và tổng công suất điện 20 MW.
Sau thông tin trúng gói thầu khủng, cổ phiếu GLT đã rục rịch nổi sóng và bắt đầu bứt phá từ giữa tháng 6 với nhiều phiên tăng kịch trần. Chỉ sau khoảng 2 tuần, cổ phiếu này đã tăng 72% lên mức 35.500 đồng/cp, cao nhất trong hơn 5 năm, kể từ tháng 11/2018. Nếu tính từ đầu năm 2024 đến nay, thị giá GLT đã tăng gấp đôi.
GLT thành lập từ tháng 10/1996 và chính thức trở thành Công ty cổ phần 28/12/2005. Ngoài lĩnh vực xây dựng hạ tầng Data Center, GLT còn được biết đến là đơn vị hàng đầu trong việc tư vấn, thiết kế, cung cấp thiết bị và các giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực chống sét, năng lượng xanh, đầu tư hạ tầng viễn thông cũng như cung cấp dịch vụ bảo trì chất lượng cao.
Dù vậy, kết quả kinh doanh những năm gần đây của GLT không mấy khởi sắc. Niên độ tài chính 2021 ghi nhận lợi nhuận kỷ lục lại chủ yếu đến từ hoạt động bất thường khi GLT thực hiện chuyển nhượng 100% vốn góp tại GTI (đơn vị sở hữu 238 trạm BTS) thu về khoản lợi nhuận đột biến hơn 50 tỷ. Liên tiếp 2 năm sau đó, lợi nhuận của GLT đều sụt giảm mạnh.
Niên độ tài chính 2023 (1/4/2023-31/3/2024), GLT ghi nhận doanh thu thuần 83 tỷ đồng, giảm đến 87% so với niên độ trước. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ chỉ đạt 5,2 tỷ đồng, giảm 77% so với niên độ trước và là mức thấp nhất từ trước đến nay. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp đã không hoàn thành kế hoạch đề ra.
Kết quả kinh doanh không như kỳ vọng. Tuy nhiên, theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 dự kiến diễn ra ngày 2/7 tới đây, HĐQT GLT vẫn sẽ trình cổ đông kế hoạch cổ tức cho năm 2023 với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt, tương đương năm 2022 trước đó. Kế hoạch cổ tức cho năm 2024 dự kiến 15%.
Đánh giá về bối cảnh kinh tế năm 2024, ban lãnh đạo GLT cho rằng vẫn còn nhiều thách thức. Vì thế, doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tập trung phát triển và củng cố các hoạt động kinh doanh cốt lõi nhằm mang lại hiệu quả tối ưu như máy lạnh chính xác và hạ tầng cho trung tâm dữ liệu; thực hiện triển khai đầu tư dự án Solar; thiết bị chống sét.
Đáng chú ý, GLT lên kinh doanh niên độ 2024 (1/4/2024-31/3/2025) đầy tham vọng với mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ dự kiến đạt 17,5 tỷ đồng, lần lượt gấp 3,6 và 3,3 lần thực hiện niên độ trước. Dù vậy, mức lợi nhuận này vẫn thấp hơn giai đoạn 2020-2022 trước đó.
Nguồn: CafeF