Theo KBSV, nhóm chứng khoán hiện tại đã phần nào phản ánh triển vọng tích cực trong nửa cuối năm 2024. Cùng với khoảng trống thông tin liên quan đến tiến độ thực hiện KRX, cổ phiếu có thể ghi nhận các nhịp điều chỉnh – tích lũy ngắn hạn.
Bất chấp nhiều nỗ lực, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn lỡ hẹn trước ngưỡng điểm quan trọng 1.300, qua đó chưa thể xác lập một xu hướng tăng bền vững. Đà đi lên của chỉ số chính vấp phải nhiều lực cản mạnh, cộng thêm việc thiếu đi xung lực hỗ trợ do diễn biến có phần phân hoá giữa các nhóm ngành. Trong số đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán dường như chưa thể lấy lại phong độ sau “cơn sóng” tăng mạnh đầu năm.
Cổ phiếu chứng khoán đã có diễn biến đầy khởi sắc trong khoảng 4 tháng đầu năm 2024
sau khi hé lộ bức tranh kết quả kinh doanh quý 1 đầy khởi sắc cộng thêm “dopping” là game tăng vốn. Tuy nhiên từ cuối tháng 4 tới nay, nhóm này lại cho thấy diễn biến có phần “hụt hơi” so với các ngành khác. Giao dịch ghi nhận ảm đạm, nhiều mã thậm chí không thể giữ được thành quả tăng giá trước đó.
Trên thực tế, việc nối dài nhịp hồi không đơn giản với nhóm chứng khoán đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản thị trường trở nên ảm đạm khi tâm lý thận trọng bao trùm. Theo ghi nhận, thanh khoản trong vài tháng trở lại đây duy trì xu hướng giảm sút về cả khối lượng lẫn giá trị giao dịch. Gần như vắng bóng hoàn toàn những phiên giao dịch tỷ USD, thay vào đó là mức thanh khoản khớp lệnh phổ biến chỉ quanh mức 12.000 – 15.000 tỷ đồng.
Theo một số chuyên gia, việc lãi suất có xu hướng nhích dần ít nhiều ảnh hưởng tới thị trường, đặc biệt nhóm Công ty chứng khoán khi hoạt động cho vay, sử dụng margin hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động khó lường. Thêm nữa, thiếu động lực từ margin có thể sẽ khiến nút thắt thanh khoản khó được cởi bỏ trong ngắn hạn. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu từ hoạt động môi giới, cho vay margin.
Cùng với đó, xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên thế giới sẽ tiếp tục được duy trì. Đà bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài cũng ảnh hưởng đến tâm lý trong nước. Theo ghi nhận, giá trị bán ròng luỹ kế từ đầu năm 2024 trên HOSE đã vượt qua mức bán ròng cao kỷ lục của cả năm 2021, xấp xỉ mức 59.000 tỷ đồng. Chỉ số VN-Index thời gian qua dù được sự hỗ trợ lớn của nhà đầu tư trong nước nhưng vẫn chưa thể vượt cản 1.300 điểm.
Việc thị trường trong nước chưa thể bứt phá sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến danh mục tự doanh, vốn mang lại lợi nhuận đáng kể cho các Công ty chứng khoán những năm gần đây.
Ngoài ra, sự chậm trễ của dự án KRX hay việc nâng hạng thị trường mới nổi vẫn còn bỏ ngỏ cũng là yếu tố không thực sự tích cực. Sự “lặng sóng” của nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán những tháng gần đây phần nào cho thấy sự thận trọng, chờ đợi của giới đầu tư với biến động thị trường.
Dư địa tăng ngắn hạn không còn nhiều, triển vọng trung – dài hạn duy trì tích cực
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) lưu ý mức định giá nhóm cổ phiếu chứng khoán hiện tại đã phần nào phản ánh triển vọng tích cực trong nửa cuối năm 2024. Hiện tại, các cổ phiếu trong ngành đều đang giao dịch ở mức trên hoặc tiệm cận vùng std+1 của trung bình P/B 5 năm. Cùng với khoảng trống thông tin liên quan đến tiến độ thực hiện KRX, nhóm cổ phiếu chứng khoán có thể ghi nhận các nhịp điều chỉnh – tích lũy ngắn hạn.
Dù vậy, triển vọng của ngành chứng khoán vẫn được đánh giá tương đối lạc quan trong dài hạn. KBSV duy trì quan điểm tích cực về giá và thanh khoản đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm 2024. Theo KBSV, tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt khoảng 10% trong năm nay và định giá vẫn đang ở ngưỡng hợp lý.
Mức nền lãi suất sau khi tăng vẫn có thể kích thích nhu cầu đầu tư chứng khoán khi kênh tiền gửi không đem lại lợi nhuận đủ hấp dẫn. Bên cạnh đó, các động thái kì vọng giảm lãi suất từ các NHTW lớn trên thế giới trong nửa cuối năm 2024 và 2025 sẽ thu hẹp khoảng cách lãi suất với Việt Nam, qua đó có thể tác động làm thay đổi động thái bán ròng của khối ngoại đã diễn ra trong giai đoạn vừa qua.
Đặc biệt, nâng hạng thị trường sẽ là động lực cho ngành trong trung – dài hạn. Theo quan điểm của KBSV, khả năng để thị trường Việt Nam có thể được quyết định nâng hạng trong kì tháng 9/2024 là không cao do để thay đổi quy trình giao dịch không yêu cầu ký quỹ trước (pre-funding) cần thời gian để các cơ quan chức năng xây dựng cơ chế cũng như các công ty chứng khoán cần chuẩn bị về nguồn lực, hệ thống và các phương án quản trị rủi ro phù hợp.
Tuy nhiên, với quyết tâm từ phía chính phủ, KBSV kì vọng TTCK Việt Nam sẽ được quyết định nâng hạng theo đánh giá của FTSE Russell trong năm 2025 và chính thức được thêm vào rổ chỉ số thị trường mới nổi của FTSE trong năm 2025 – 2026.
Bên cạnh đó, “game” tăng vốn tiếp tục phả hơi nóng, các CTCK được cho sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng vốn trong phần còn lại của năm 2024. Theo tổng hợp của KBSV, nhóm công ty chứng khoán quan sát dự kiến tăng tổng cộng hơn 26.000 tỷ đồng vốn điều lệ tương đương mức tăng ~ 23% so với quý 1/2024 thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ và ESOP.
Nguồn vốn mới tăng thêm sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán gồm tăng nguồn lực cho vay kí quỹ; tăng nguồn lực cho mảng đầu tư cũng như đầu tư cho hệ thống, công nghệ, nhân sự.
Nguồn: CafeF