Mùa KQKD quý 2 đã qua đi nhưng sẽ là tham khảo tốt dể dự đoán đà phục hồi lợi nhuận doanh nghiệp giai đoạn cuối năm. Nhờ vậy, đây là thời điểm có thể tư duy dài hạn”.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch (29/7-2/8) rung lắc tương đối mạnh, trong bối cảnh lực cầu vẫn tỏ ra vô cùng thận trọng. Phe bán tỏ ra quyết liệt hơn trong 2 phiên giao dịch cuối tuần khiến cho chỉ số điều chỉnh mạnh, lúc giảm sâu nhất chỉ số chỉ còn cách mốc 1.200 điểm hơn 9 điểm.
Kết tuần, VN-Index giảm 5,51 điểm (-0,44%) so với tuần trước đóng cửa tại 1.236,6 điểm. Tính chung cả tháng 7, VN-Index tăng nhẹ 6 điểm (+0,5%) so với tháng 6.
Chưa thể khẳng định VN-Index đã tạo đáy
Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam đang gặp nhiều áp lực khi VN-Index đã đánh mất đường xu hướng hỗ trợ ngắn – trung hạn, cũng như thất bại trong việc phục hồi quay lại kiểm nghiệm vùng kháng cự/ hỗ trợ tại 1.255 – 1.260 điểm, tương ứng với đường trung bình động dài hạn MA100.
Theo ông Bảo, một số tin tức gần đây liên quan tới bất ổn địa chính trị trên thế giới, mặt bằng lãi suất tiết kiệm liên tục tăng có thể khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.
Thêm vào đó, ngày 05/08/2024 sẽ là ngày cuối cùng các ETF theo dõi VN30, VNFinlead và VNMidcap hoàn thiện việc cơ cấu theo danh mục mới được công bố trong kỳ review tháng 7, do đó sẽ có một số giao dịch lớn xuất hiện trên thị trường tác động tới chỉ số trong bối cảnh thanh khoản “cạn kiệt” hiện tại.
Điểm tích cực của dòng tiền là đà bán ròng của khối ngoại có phần chững lại, giá trị bán ròng trong tháng 7 giảm còn một nữa so với tháng trước đó. Xu hướng bán ròng của khối ngoại dường như sẽ sớm kết thúc khi gần đây NHNN đã có nhiều động thái giúp ổn định tỷ giá cũng như Fed có động thái sắp giảm lãi suất vào cuối năm.
Sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh Quý 2, thị trường chứng khoán bắt đầu tháng 8 với diễn biến ngắn hạn tương đối tiêu cực. Đây cũng là khoảng thời gian với khoảng trống thông tin về các doanh nghiệp, đo đó thị trường sẽ phụ thuộc lớn vào triển vọng tăng trưởng của kinh tế vĩ mô cùng các yếu tố thị trường khác.
Theo đó, kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu cải thiện trong những tháng gần đây nhờ nhu cầu cả nội địa và quốc tế đều tăng lên. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng mạnh nhập khẩu nguyên vật liệu, tư liệu sản xuất để đáp ứng các đơn hàng. Thị trường tiền tệ và ngoại hối cũng được ổn định tạo môi trường vĩ mô thuận lợi để phát triển kinh tế.
Về chiến lược, ông Bảo khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn – trung hạn nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức an toàn với sức mua ở mức trên trung bình, có thể xem xét cơ cấu giảm tỷ trọng các mã có kết quả Quý 2 vừa qua không như kỳ vọng cũng như tuân thủ nguyên tắc dừng lỗ nếu có trong bối cảnh áp lực bán giải chấp vẫn còn nguy cơ gia tăng.
Tuy nhiên, không nên tỏ ra quá hoảng loạn và bán tháo trong các nhịp rung lắc trong phiên khi chỉ số VN-Index đang áp sát tương đối gần mức hỗ trợ tâm lý mạnh 1.200 điểm. Đây là vùng giá tương đối hấp dẫn cũng như có lực cầu chủ động tương đối tốt.
VN-Index có thể “nhúng” xuống dưới 1.200 điểm, song sẽ phục hồi
Nhìn vào bối cảnh trong nước, nhiều điểm sáng kinh tế và những bất ổn dần qua đi. Các số liệu vĩ mô vẫn cho thấy kinh tế phục hồi tích cực, vững chắc. Dù tâm lý, dòng tiền ngắn hạn có thế nào, sự phục hồi kinh tế vững chắc luôn là nền tảng quan trọng cho thị trường.
Về độ rộng, ông Huy cho biết khoảng trên 50% số lượng cổ phiếu trên HOSE giữ được đường trung bình di động 200 ngày (MA200), các cổ phiếu lớn thậm chí còn tích cực hơn khi chưa điều chỉnh là mấy.
Thông thường, vị chuyên gia quan sát thấy trong những đợt VN-Index xuyên thủng MA200 đồng pha với việc các TTCK lớn gãy MA200. Hiện tại Mỹ, Trung Quốc, các TTCK châu Âu đều cách tương đối xa MA200. Trừ TTCK Nhật Bản với câu chuyện riêng đã gãy MA200, có thể thấy MA200 vẫn có thể được trụ vững đợt điều chỉnh này.
Dựa theo những quan sát trên khả năng VN-Index gãy MA 200 (tương đương mốc điểm quanh 1.200) là khá thấp: “Thị trường có thể kiểm định lại MA200 quanh 1.200 điểm nhưng sẽ duy trì và phục hồi như những gì đã diễn ra cuối tuần qua. Khó có thể kỳ vọng sự sôi động nhưng có lẽ không nên bi quan“.
Mùa KQKD quý 2 đã qua đi nhưng sẽ là tham khảo tốt dể dự đoán đà phục hồi lợi nhuận doanh nghiệp giai đoạn cuối năm. Nhờ vậy, đây là thời điểm có thể tư duy dài hạn.
Ba câu chuyện lớn sẽ tác động xuyên suốt đến thị trường nửa cuối năm được chuyên gia nhấn mạnh: (1) Chính sách kinh tế nới lỏng (2) Đà phục hồi kinh tế và (3) câu chuyện nâng hạng. Trong đó đà phục hồi kinh tế và triển vọng nâng hạng sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tập trung vào các cổ phiếu đầu ngành, chất lượng tốt để đón đầu đà phục hồi lợi nhuận, các ngành hưởng lợi từ đà phục hồi kinh tế đơn giản là Ngân hàng, Dịch vụ tài chính, Tiêu Dùng, Vật liệu xây dựng, Tài nguyên cơ bản, Bán lẻ…và tránh các cổ phiếu cơ bản kém lúc này.
VN-Index sớm trở lại xu hướng tăng ngắn hạn
Thị trường thời gian trước vận hành dựa trên sự kỳ vọng và KQKD quý 2 đã được phản ánh vào giá.
Khi thông tin đã ra, nhà đầu tư có tâm lý chốt lời trong phiên ngày 1/8 là dễ hiểu. Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư cũng thận trọng, có xu hướng đứng ngoài quan sát diễn biến và chờ đợi những thông tin quan trọng như diễn biến tỷ giá, lạm phát và quyết định của Fed… Điều này khiến thị trường xuất hiện một những “khoảng lặng” như hiện tại.
Mẫu hình hai đỉnh đã được xác nhận trên chỉ số VN-Index với mục tiêu giá là từ 1.180-1.200 điểm. Sau khi đạt mục tiêu giá này có thể thị trường sẽ hình thành một đáy quan trọng từ 1.180-1.200 điểm và quay trở lại nhịp tăng. Vì thế, nhịp điều chỉnh này nên được cân nhắc là nhịp điều chỉnh kỹ thuật hơn là bắt đầu cho một xu hướng mới.
Thanh khoản thường phản ánh tâm lý nhà đầu tư, thanh khoản thấp cho thấy tâm lý nhà đầu tư có phần thận trọng với sự phục hồi của thị trường. Dù áp lực bán có thể gia tăng, nhưng chuyên gia cho rằng dòng tiền vẫn đang ở lại trên thị trường và chờ thời điểm thích hợp để giải ngân trở lại.
Tuy ghi nhận diễn biến sụt giảm trong tháng 7/2024, nhưng thị trường vẫn nằm trong xu hướng tăng từ cuối năm 2024. Xu hướng này được ủng hộ nhiều từ kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi.
Dù nhận định thận trọng về xu hướng thị trường trong ngắn hạn, song chuyên gia KIS cho rằng nhịp điều chỉnh hiện tại sẽ nhanh chóng kết thúc và thị trường sẽ quay lại xu hướng tăng dài hạn khi nền kinh tế vẫn khởi sắc.
Về chiến lược đầu tư ngắn hạn, ông Hiếu khuyến nghị nhà đầu tư cần giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn chờ đợi các tín hiệu tạo đáy rõ ràng. Khi có điểm giải ngân hợp lý, nhà đầu tư có thể mở các vị thế đầu tư trong trung và dài hạn.
Nguồn: CafeF