Các quỹ ETF trong nước tiếp tục vào ròng hơn 218 tỷ đồng, đóng góp chủ yếu đến từ quỹ Kim Growth VN30 ETF với giá trị vào ròng đạt hơn 131 tỷ đồng. Tương tự, quỹ VFM VNDiamond và quỹ SSIAM VNFIN LEAD ETF vào ròng lần lượt hơn 51 tỷ đồng và 15 tỷ đồng.
Thống kê trong tuần từ 22/7 – 26/7/2024, các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam quay đầu vào ròng nhẹ với hơn 65 tỷ đồng sau 11 tuần liên tiếp dòng tiền rút ròng với tổng giá trị lũy kế gần 6,7 nghìn tỷ đồng. Động thái vào ròng diễn ra chủ yếu ở quỹ Kim Growth VN30 ETF.
Tháng 7/2024, dòng tiền qua các quỹ ETF ghi nhận rút ròng hơn 2,4 nghìn tỷ đồng. Như vậy, giá trị rút ròng lũy kế từ đầu năm 2024 ở các quỹ ETF đạt hơn 17,7 nghìn tỷ đồng, gấp 11,1 lần so với tổng giá trị rút ròng của năm 2023 hơn 1,5 nghìn tỷ đồng và tương đương 29,7% giá trị bán ròng của khối ngoại từ đầu năm 2024.
Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF (bao gồm ETF nước ngoài và trong nước) đạt 65,9 nghìn tỷ đồng trong tuần từ 22/7 – 26/7, giảm -1,11% so với tuần trước. Cần lưu ý đây là tổng giá trị tài sản ròng chỉ tính cho thị trường Việt Nam.
Riêng trong tuần qua, các quỹ ETF ngoại tiếp tục bị rút ròng hơn 153 tỷ đồng, đây là tuần thứ 11 liên tiếp dòng tiền ở trạng thái âm với tổng giá trị lũy kế gần 4 nghìn tỷ đồng. Đóng góp chủ yếu đến từ quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF bị rút ròng 115 tỷ đồng. Tương tự, quỹ KIM ACE Vietnam VN30 ETF cũng bị rút ròng gần 44 tỷ đồng.
Giá trị rút ròng ở quỹ iShares MSCI Frontier and Select ETF đạt hơn 246 tỷ đồng trong tuần 22/7 – 26/7. Tính riêng trên thị trường Việt Nam, quỹ này ghi nhận rút ròng gần 300 triệu đồng. Cập nhật danh mục mới nhất ngày 26/7, quỹ này đã bán ra hết toàn bộ cổ phiếu FTS và KDC. Như vậy, quỹ còn nắm giữ VND 161 nghìn cổ phiếu, 2,5 tỷ đồng, nắm giữ 58 nghìn cổ phiếu VCG, 1,1 tỷ đồng, DBD với 26,7 nghìn cổ phiếu giá trị 1,1 tỷ đồng, và HDG 6,5 nghìn cổ phiếu, 188 triệu đồng.
Các quỹ ETF trong nước tiếp tục vào ròng hơn 218 tỷ đồng, đóng góp chủ yếu đến từ quỹ Kim Growth VN30 ETF với giá trị vào ròng đạt hơn 131 tỷ đồng. Tương tự, quỹ VFM VNDiamond và quỹ SSIAM VNFIN LEAD ETF vào ròng lần lượt hơn 51 tỷ đồng và 15 tỷ đồng.
Trong ngày 29/7/2024, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF tiếp tục bị rút ròng gần 76 tỷ đồng. Quỹ này tiếp tục bán ra các cổ phiếu với giá trị ước tính đạt hơn 80 tỷ đồng. Top bán ròng là HPG 311 nghìn cổ phiếu, giá trị bán ròng 8,5 tỷ đồng, VHM bị bán ròng 181 nghìn cổ phiếu, giá trị bán ròng 6,8 tỷ đồng, VIC bán bị ròng 170 nghìn cổ phiếu, -7,1 tỷ đồng), SSI bị bán 163 nghìn cổ phiếu, -5,2 tỷ đồng, và SHB cũng bị bán ra 151 nghìn cổ phiếu, -1,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, quỹ VFM VNDiamond ETF cũng bị rút ròng gần 23 tỷ đồng trong khi quỹ VFM VN30 ETF không có biến động về dòng tiền.
Không chỉ ghi nhận tâm lý tích cực từ nhóm ETF, tính riêng khối ngoại cũng đảo chiều mua ròng trong tuần vừa qua. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 420.39 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 452.9 tỷ đồng.
Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm Thực phẩm và đồ uống, Dầu khí. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VNM, MSN, BCM, VCB, BID, FPT, FRT, KBC, POW, STB. Phía bên bán ròng khớp lệnh của nước ngoài là nhóm Hóa chất. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: DGC, SSI, MWG, VHM, VPB, TCH, VRE, OCB, DIG.
Động thái của nhóm nhà đầu tư nước ngoài nói riêng và ETF nói chung cho thấy, các nỗ lực nâng hạng của Chính phủ Việt Nam bước đầu ghi nhận kết quả tích cực. Mới đây nhất, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố dự thảo sửa đổi 4 Thông tư về chứng khoán.
Dự thảo này gỡ hai nút thắt quan trọng gồm quy định Prefunding và lộ trình công bố thông tin chi tiết bằng tiếng Anh. Nếu như trước đây, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài muốn mua cổ phiếu bắt buộc phải có tiền, đây là một hạn chế lớn, thì bây giờ không nhất thiết phải có 100% tiền mang lại cơ hội xoay vòng tiền liên tục cho họ. Từ đó, đẩy mạnh giải ngân mua cổ phiếu.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán cũng kỳ vọng trong kỳ review tháng 9 tới sẽ có kết quả tích cực.
Bà Lê thị Lệ Hằng, Giám đốc chiến lược Công ty chứng khoán SSI dự đoán, nếu mọi chuyện suôn sẻ thì Việt Nam sẽ được nâng hạng vào khoảng tháng 9/2025 và sớm nhất được vào trong rổ mới vào tháng 3/2026. Khối ngoại sẽ khởi động mua ròng cả một quá trình trước khi có thông tin chính thức được nâng hạng. Do đó, thị trường sẽ sôi động nửa cuối 2025, Vn-Index dự kiến sẽ hút trở lại 2 tỷ USD đã bị bán ra trong nửa đầu năm 2024.
Nguồn: VnEconomy