Thuật ngữ Sàn chứng khoán là thuật ngữ không còn xa lạ với những nhà đầu tư trên thị trường. HVA sẽ cùng nhà đầu tư tìm hiểu thêm ở bài viết dưới đây.
Sàn chứng khoán là gì
Sàn chứng khoán (hay sàn giao dịch chứng khoán) là nơi thực hiện các giao dịch chứng khoán trên thị trường. Tại đây, các nhà đầu tư có thể thực hiện các trao đổi, mua bán, trao tặng và chuyển nhượng các loại chứng khoán.
Các sản phẩm giao dịch trên sàn chứng khoán bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền, chứng chỉ lưu ký, các sản phẩm phái sinh, sản phẩm hợp tác đầu tư…
Hiểu đơn giản, sàn giao dịch là đơn vị trung gian xử lý các giao dịch chứng khoán, hỗ trợ các công ty phát hành hoặc thu hồi chứng khoán, thực hiện các nghĩa vụ nợ và vốn cho nhà đầu tư, chi trả cổ tức,… Bên cạnh đó, đây cũng là sân chơi để người mua, bán chứng khoán trao đổi với nhau. Các sàn cũng cung cấp lượng lớn thông tin của các doanh nghiệp để nhà đầu tư có thể tham khảo khi đưa ra quyết định đầu tư.
Lợi ích của doanh nghiệp khi lên sàn chứng khoán.
Lên sàn chứng khoán là mục tiêu nhiều doanh nghiệp hướng tới. Một khi được niêm yết trên sàn, doanh nghiệp có thể nhận được nhiều lợi ích đáng kể như sau:
- Tăng khả năng huy động vốn: Lên sàn chứng khoán giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn nhàn rỗi rộng lớn từ công chúng. Khi huy động vốn thông qua niêm yết cổ phiếu, doanh nghiệp không phải thanh toán lãi vay hay trả vốn gốc giống như vay nợ, nhờ đó có thể chủ động sử dụng nguồn vốn huy động cho các mục tiêu và chiến lược dài hạn của công ty.
- Thúc đẩy tăng trưởng: Mục đích quan trọng nhất khi niêm yết trên sàn là thu hút nguồn vốn đổ vào công ty. Nhờ đó, doanh nghiệp mới có đủ nguồn lực để đầu tư phát triển kinh doanh, mở rộng sản xuất, nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên thị trường và thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư đổ vào.
- Tăng tính thanh khoản, cổ phần hóa công ty: Chứng khoán khi được niêm yết có thể mua với số lượng rất nhỏ, các nhà đầu tư có thể dễ dàng trở thành cổ động của công ty, cũng như dễ dàng chuyển nhượng và mua bán, qua đó tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu. Điều này cũng có thể giúp doanh nghiệp giữ chân và thu hút các nhà đầu tư mới.
- Tăng uy tín thương hiệu: Doanh nghiệp để được niêm yết trên sàn buộc phải tính minh bạch và tuân thủ các quy định khắt khe của thị trường chứng khoán. Qua đó, các nhà đầu tư, đối tác và khách hàng sẽ có niềm tin hơn vào doanh nghiệp.
Sàn chứng khoán tại Việt Nam và điều kiện để được niêm yết
Hiện nay, Việt Nam đang có 3 sàn chứng khoán tập trung trực thuộc 2 Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Hồ Chí Minh bao gồm HoSE, HNX, UPCOM. Các sàn này được thành lập và hoạt động dưới sự quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE)
HoSE là tên viết tắt của Hochiminh Stock Exchange, sàn chứng khoán lớn nhất tại Việt Nam. Được thành lập từ năm 2000, sàn có sự tham gia của nhiều mã chứng khoán cũng như sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn nhất.
HoSE hiện quản lý hệ thống giao dịch chứng khoán với các điều kiện rất khắt khe, do đó các công ty phát hành trên sàn đều có uy tín cao. Mã chứng khoán VN30 của HoSE là một trong những mã cổ phiếu giá trị nhất thị trường hiện nay.
Điều kiện để được niêm yết trên HoSE
- Vốn điều lệ tại thời điểm đăng ký: từ 120 tỷ đồng trở lên tính theo báo cáo kiểm toán.
- Ít nhất 2 năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.
- Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) từ 5% trở lên.
- Hoạt động kinh doanh: 02 năm liền trước có lãi, không nợ quá hạn trên 1 năm, không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký niêm yết, tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán báo cáo tài chính.
- Công khai, minh bạch các khoản nợ đối với thành viên HĐQT, BKS, BGĐ, CĐ lớn và những người liên quan
- Phải có từ 300 cổ đông trở lên nắm giữ ít nhất 20% số cổ phần có quyền biểu quyết (không phải là cổ đông lớn).
- Các cổ đông lớn, cổ đông là tổ chức, cá nhân phải cam kết nắm giữ 100% số cổ phiếu trong vòng 6 tháng đầu và 50% số cổ phiếu trong 6 tháng tiếp theo. Ngoại trừ cổ phiếu thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
- Hồ sơ đầy đủ và hợp lệ
Sàn chứng khoán Hà Nội (HNX)
HNX là tên viết tắt của Hanoi Stock Exchange. Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội chính thức hoạt động giao dịch năm 2009. Đây cũng là sàn có độ uy tín cao.
Đối với sàn HNX không có phiên khớp lệnh giá mở cửa mà chỉ có phiên khớp lệnh giá đóng cửa, tuy nhiên sàn HNX sẽ có thêm phiên khớp lệnh sau giờ nhằm đảm bảo tính thanh khoản của thị trường.
Điều kiện để được niêm yết trên HNX
- Vốn điều lệ tại thời điểm đăng ký: từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo báo cáo kiểm toán.
- Ít nhất 1 năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.
- Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) từ 5% trở lên.
- Hoạt động kinh doanh: Không nợ quá hạn trên 1 năm, không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký niêm yết, tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán báo cáo tài chính.
- Phải có từ 200 cổ đông trở lên nắm giữ ít nhất 15% số cổ phần có quyền biểu quyết (không phải là cổ đông lớn).
- Các cổ đông lớn, cổ đông là tổ chức, cá nhân phải cam kết nắm giữ 100% số cổ phiếu trong vòng 6 tháng đầu và 50% số cổ phiếu trong 6 tháng tiếp theo. Ngoại trừ cổ phiếu thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
- Hồ sơ đầy đủ và hợp lệ
Sàn chứng khoán UPCOM
Sàn UPCOM viết tắt của Unlisted Public Company Market, ra đời năm 2009 và được quản lý bởi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. UPCOM diễn ra các giao dịch chứng khoán của những mã cổ phiếu không đủ tiêu chuẩn niêm yết trên sàn HoSE, HNX.
Để niêm yết trên UPCOM, công ty cần thoả mãn một số điều kiện sau:
- Là công ty đại chúng
- Đã lưu ký cổ phiếu tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD)
- Đã đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM
- Hồ sơ đầy đủ và hợp lệ
Trong năm 2025, Công ty Cổ phần Đầu tư HVA với mục tiêu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán HoSE, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. HVA luôn tiếp tục không ngừng đổi mới, cung cấp các sản phẩm đầu tư chất lượng, minh bạch và hiệu quả, nhằm mang lại lợi ích tối đa cho các cổ đông và đối tác, qua đó khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực đầu tư tài chính.