Công tác quản trị, yếu tố văn hoá, theo sát mục tiêu, chọn đúng thời điểm… là những yếu tố cần lưu ý cho các doanh nghiệp khi thực hiện M&A, theo chia sẻ từ kinh nghiệm thực tiễn của các diễn giả tại phiên thảo luận 2, Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam năm 2023 được tổ chức vào chiều ngày 28/11.
Hài hòa về văn hoá
Đó là chia sẻ từ kinh nghiệm của ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch HĐQT TTC Group. Ông cho biết, khi tiếp nhận (M&A) một doanh nghiệp khác, cần phải hài hoà về văn hoá doanh nghiệp để tránh rơi vào thế khó.
“Về vấn đề lao động, sau tiếp nhận, chúng tôi sẽ có một đội ngũ ‘cán bộ khung’ giàu kinh nghiệm của TTC xuống đào tạo lại cho người lao động, đồng thời đánh giá, phân loại, xếp loại, giao thêm nhiệm vụ hoặc giảm bớt công việc… nhằm tạo mọi điều kiện để người lao động ở đơn vị mới có thể hội nhập vào TTC một cách tốt nhất”, trích lời ông Thành.
“Thực tế, không ai hiểu hết được văn hoá vùng miền bằng chính người địa phương, nên chúng tôi rất linh hoạt, kinh nghiệm khi sử dụng đội ngũ từ đơn vị cũ, nhằm giúp họ hoà nhập tốt nhất vào văn hoá Tập đoàn”.
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT CTCP – Tổng công ty nước – môi trường Bình Dương (Biwase, HOSE: BWE) cũng có chung nhận định. “Cần cải thiện về quản trị. Nhân sự trước khi chuyển giao sẽ có dấu hiệu sa sút, nếu quá bao trùm sẽ không tạo ra niềm vui cho nhân viên. Nên khi M&A, nếu thay đổi công tác phục vụ, cải thiện công ăn việc làm của họ, đó sẽ là niềm vui khôn tả, họ sẽ cống hiến hết mình. Thậm chí, tôi còn phải rà lại mức lương, thu nhập, nếu thấp quá thì điều chỉnh luôn. Như vậy sẽ cải thiện được đời sống, cải thiện được năng suất lao động”.
Chuẩn bị tốt chiến lược, biết lựa chọn thời điểm
Diễn giả Lưu Thị Thanh Mẫu, CEO của CTCP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cho rằng điều quan trọng là sự chuẩn bị. Nếu chuẩn bị tốt chiến lược M&A, doanh nghiệp sẽ biết phải kỳ vọng điều gì, đồng thời có thêm sự lựa chọn và kèm theo trách nhiệm để bổ sung nguồn lực. Nếu lựa chọn tốt mà đơn vị có thể cộng hưởng, tạo ra giá trị cho xã hội thì đó là sự lựa chọn có trách nhiệm.
“Hãy coi đối tác là một cuộc hôn nhân. Lựa chọn tốt, chuẩn bị tốt, chúng ta sẽ có hạnh phúc”, bà Mẫu nhận định.
Ông Đặng Văn Thành cũng đề cập đến một yếu tố là thời điểm. Cần phải biết thời điểm nào để tiếp nhận, địa bàn nào, thị trường nào cũng cần đặt lên quá trình cân nhắc trước khi quyết định thực hiện M&A.
Xác định mục tiêu đúng, hướng đến sự thịnh vượng
Diễn giả Vũ Minh Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT VIAD Group thì tin rằng muốn M&A thành công, cần xác định đúng mục tiêu, đồng thời khẳng định sự “thịnh vượng” là mục tiêu chung của tất cả các thương vụ M&A.
“Thịnh vượng không chỉ là tài chính, mà còn là giá trị lâu bền về thương hiệu, phát triển văn hoá doanh nghiệp, là mục tiêu các doanh nghiệp M&A phải đặt ra từ đầu” – trích lời ông Tiến.
2 yếu tố khác được ông Tiến chỉ ra là công nghệ và tài chính. Sau thời đại công nghệ 4.0, doanh nghiệp nào làm chủ được công nghệ, doanh nghiệp đó có lợi thế.
“Ngoài ra là vấn đề niềm tin. Cộng hưởng sức mạnh đầu tiên là niềm tin, doanh nghiệp Việt Nam phải có niềm tin vào năng lực nội tại, khả năng cạnh tranh, còn nhà đầu tư nước ngoài cần tin vào sự ổn định, tiềm năng thị trường, tin cậy nhau”.
Minh bạch
Đây là quan điểm của diễn giả Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và Khối bất động sản nhà ở của Frasers Property Vietnam. Ông cho biết, trong một thương vụ M&A, giá là yếu tố đầu tiên, cần phải thực tế.
Thứ 2, quan trọng hơn, là sự minh bạch của các bên, và sự thấu hiểu trong quá trình thương lượng.
Thứ 3, sau khi ký kết, các bên phải nỗ lực để hoàn tất vấn đề thời gian.
Và sau cùng, khi đã M&A, hai bên lại tiếp tục phải minh bạch, nỗ lực xây dựng lòng tin.
Nguồn: Vietstock